Từ mô hình sinh kế, thanh niên dân tộc thiểu số khơi dậy ý chí thoát nghèo
Những năm gần đây, các mô hình khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn xã Tân Tiến nói riêng và các xã vùng dự án Plan ở huyện Hoàng Su Phì nói chung đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới, góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Với khát vọng phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và thoát cảnh nghèo khó, Chi Sèn Thị Chúc, thôn Bản Qua 2, xã Tân Tiến sau khi tốt nghiệp THPT, chị lập gia đình vào năm 2013 và ra ở riêng, trong suốt mấy năm ở nhà 2 vợ chồng chị chỉ làm ruộng và nuôi vài con gà, con lợn theo cách truyền thống nên việc trang trải, chăm lo cuộc sống gia đình hàng ngày còn khó khăn và là nỗi trăn trở lớn đối với gia đình chị. Đầu năm 2021, chị được đoàn thanh niên và Hội phụ nữ xã thông báo tổ chức Plan International phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện, Huyện đoàn, Hội LHPN huyện triển khai dự án “Tăng cường trao quyền phát triển kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số vùng Hà Giang và Lai Châu” thực hiện tại 5 xã của huyện Hoàng Su Phì, nhằm hướng tới thanh niên có độ tuổi từ 15 - 30 tuổi, dự án đã triển khai mở các lớp tập huấn sinh kế về trồng trọt, chăn nuôi, các lớp kỹ năng xanh, kỹ năng marketing, kỹ năng tài chính kế toán, kỹ năng tin học và các lớp tập huấn về bình đẳng giới, chị Chúc đã đăng ký tham gia lớp tập huấn Chăn nuôi, trong khoá tập huấn chị tích luỹ được nhiều kinh nghiệm về chăn cách chăm sóc đàn vật nuôi, cách phòng chống dịch bệnh như tiêm phòng, quy hoạch chuồng trại, cách chọn con giống… Ngoài việc tham gia lớp chăn nuôi, chị còn tìm hiểu thêm một số kỹ thuật về trồng, chăm sóc, thu hoạch rau…
Với tính cần cù, chịu khó chị Chúc cũng như tất cả các học viên sau khi tham gia lớp chăn nuôi lợn đen, dự án Plan đã hỗ trợ một số vật tư để thưc hành các kiến thức đã học vào thực tế như: hỗ trợ tấm lợp fibro xi măng để tu sửa chuồng trại; cám thức ăn, thuốc thú y và một số vật liệu cần thiết cho chăn nuôi lợn nái sinh sản. Sau gần 2 năm thực hiện mô hình, đến nay gia đình chị Chúc cơ bản đã có thu nhập ổn định, mỗi tháng thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng. Qua đó góp phần trang trải cuộc sống, sửa chữa lại sân vườn, nhà cửa và các chi phí sinh hoạt hàng ngày cho hộ gia đình.

Chị Sèn Thị Chúc chia sẻ: Nhớ lại trước đây khi chưa biết đến dự án Plan, gia đình tôi khó khăn lắm vì chăn nuôi lợn hay xảy ra dịch bệnh, không biết cách tiêm phòng dẫn đến rủi do cao, đặc biệt có nguy cơ mất trắng, còn việc làm ruộng và trồng trọt cũng không mang lại thu nhập cho gia đình, nhiều khi có lúc phải dậy từ 3 đến 4 giờ sáng để nấu cơm, làm việc nhà, sáng lại đi ra đồng, chưa kể mưa gió, cứ nghĩ chẳng biết bao giờ mới khấm khá được.. Nhưng từ khi biết đến dự án Plan đang triển khai mở các lớp tập huấn, đào tạo về kỹ thuật chăn nuôi cũng như trồng trọt, tôi đã được Hội phụ nữ, đoàn thanh niên xã đã đến tận nhà vận động và đăng ký cho tôi tham gia học, sau khi kết thúc các khoá học, tôi đã bàn bạc với chồng, đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi lợn đen sinh sản, quy hoạch lại vườn, ao, chuồng và làm thêm 1 mô hình khoai tây. Đến nay gia đình tôi ước tính thu nhập khoảng 35 triệu đồng mỗi tháng.
Với những thành quả đã đạt được sau gần 2 năm thực hiện chị Chúc chia sẻ thêm: Em sẽ tiếp tục áp dụng kiến thức đã được học để áp dụng trong việc sản xuất của gia đình, đồng thời cũng sẽ chia sẻ các kinh nghiệm của bản thân cho các bạn thanh niên khác trong xã để các bạn có thể phát triển được kinh tế như em, dự định trong thời gian tới gia đình em sẽ vay thêm vốn để mở rộng quy mô sản xuất.
Ngoài chị Chúc thì có hơn 600 bạn thanh niên DTTS khác thuộc 5 xã dự án Tân Tiến, Bản Luốc, Tụ Nhân, Chiến Phố, Pố Lồ cũng đều được tham gia vào các lớp tập huấn sinh kế, ngoài tập huấn trên lý thuyết các bạn thanh niên còn được tham gia các buổi hướng dẫn thực hành, cầm tay chỉ việc và được hỗ trợ vật tư để áp dụng kiến thức đã được học vào sản xuất tại hộ gia đình.
Với những con số nói như trên thì thật sự thấy dự án đang đi rất đúng hướng, phù hợp với thực tế hiện nay tại địa phương, từ đó cho ra những kết quả, tín hiệu rất đáng mừng và thực sự rất hưu ích đối với các bạn thanh niên trẻ thiếu kiến thức, kỹ năng, tư liệu sản xuất để các bạn có những định hướng phát triển kinh tế, góp phần tăng thu nhập cho gia đình trên chính mảnh đất của mình./.